Trước
cách mạng tháng 8/1945, huyện Nghĩa Đàn gồm có 6 tổng với 58 xã thôn, Nghĩa Lợi
thuộc xã Mai Xá, Mậu Nghĩa, tổng Lâm La. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, hai
xã Mai Xá và Mậu Nghĩa hợp nhất lại thành xã Mai Thọ, Nghĩa Lợi lúc này thuộc
xã Mai Thọ. Từ những năm 1950, Trung ương đã có hướng chia xã lớn thành các xã
nhỏ cho phù hợp với năng lực lãnh đạo và tình hình xã hội lúc bấy giờ, nhưng vì
cuộc đấu tranh giảm tô chưa được thực hiện nên phải hoãn lại. Mãi đến năm 1953,
khi mà cuộc vận động giảm tô bước đầu được triển khai và có nhiều thắng lợi thì
chủ trương đó đã được thực hiện: các xã lớn được chia thành nhiều xã nhỏ theo
khu vực địa lý. Nghĩa Lợi là một trong số các xã được chia tách trong thời điểm
đó. Như vậy, năm 1953 là mốc đánh dấu sự thành lập xã Nghĩa Lợi. Như vậy, Nghĩa
Lợi là xã được tách từ xã Mai Thọ cũ (Mai Thọ được chia tách thành 3 xã Nghĩa
Lợi, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lạc) và có tên chính thức trong bản đồ hành chính huyện
Nghĩa Đàn. Những ngày đầu mới thành lập, Nghĩa Lợi là một xã đất rộng, người
thưa, hầu hết cư dân đều là đồng bào các dân tộc, trong đó Thổ, Thanh chiếm
100%. Vào những năm 1963 - 1964, một số đồng bào miền xuôi (khoảng 50 hộ) thuộc
xã Hưng Lam - Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu lên đây khai hoang
lập làng. Đến nay, Nghĩa Lợi vẫn là một xã thuần nông, diện tích đất nông
nghiệp có 2.487,22 ha với 4.128 nhân khẩu, có 836 hộ được phân bố trên 10 xóm
bản. Đảng bộ có 14 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ thôn xóm, 3 chi bộ trường học,
1 chi bộ cơ quan, với 131 đảng viên.
Tiếp nối sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha anh, các
dân tộc anh em Thổ, Thái, Kinh đã đoàn kết một lòng, chung lưng đấu cật, vượt
mọi khó khăn đấu tranh chống thiên tai địch họa.
Thành phần dân cư
Cộng
đồng cư dân xã Nghĩa Lợi gồm có 3 dân tộc: dân tộc Thổ, dân tộc Thanh và dân
tộc Kinh, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 67%, dân tộc Kinh chiếm 33%.
* Đồng bào dân tộc Thổ: theo các công trình nghiên
cứu, từ xa xưa thành phần dân tộc ở Nghĩa Lợi chủ yếu là dân tộc Thổ bản địa.
Họ đến định cư cách đây từ 250 - 300 năm. Một bộ phận người Thổ di cư từ các
địa phương Thanh Hóa và các huyện miền xuôi lên như Quỳnh Lưu…Đa số bà con dân
tộc Thổ ở Nghĩa Lợi sinh sống ở các vùng rẫy dốc xen lẫn với thung lũng tương
đối bằng phằng, dọc lưu vực sông Hiếu, sông Sào và các vùng giáp với huyện Như
Xuân (Thanh Hóa). Trước đây, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Nghĩa Lợi là làm rẫy, khai thác lâm - thổ sản. Ngoài việc trồng các loại cây
lương thực như lúa rẫy, sắn, ngô, khoai, vừng…, bà con dân tộc Thổ còn trồng
các loại cây gai để lấy sợi dệt thổ cẩm, dệt các loại khăn, đan võng. Cho đến
nay, dân tộc Thổ ở Nghĩa Lợi cũng như ở các xã khác Nghĩa Mai, Nghĩa Minh,
Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ, Nghĩa Yên vẫn giữ được bản sắc của mình. Bà con dân tộc
Thổ cùng sống xen kẽ với dân tộc Thanh, Kinh ở nhiều xã khác trong huyện.
* Đồng bào dân tộc Thanh: (tức Thái đen - theo danh
bạ 54 dân tộc Việt Nam) có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa di cư vào đầu thế kỷ thứ
XVII bằng đường bộ (đường bộ theo đường giáp của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An,
cụ thể là hai huyện Nghĩa Đàn và Như Xuân, còn đường thủy thì qua Quỳ Châu theo
Sông Chàng, sông Hiếu xuôi về). Dân tộc Thanh ở Nghĩa Lợi thường định cư ở dọc
các khe suối, có kinh nghiệm làm lúa nước và phát triển trồng dâu nuôi tằm,
trồng bông dệt vải và cũng có nghề dệt thổ cẩm. phần lớn bà con dân tộc Thanh ở
xen kẽ với người Kinh, Thổ và cư trú theo dòng họ là chủ yếu.
*
Dân tộc Kinh ở Nghĩa Lợi: Phần lớn người Kinh ở Nghĩa Lợi là cư dân các
vùng miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Từ năm 1962, cư dân ở các vùng
miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Nghĩa Lợi như: Hưng Nguyên, Nam Đàn,
Thanh Chương, Diễn Châu và một số huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Một số người dân
tộc Kinh bản địa thường gắn bó với các dòng họ dân tộc Thổ, lấy vợ lấy chồng
người Thổ và trở thành người Thổ, đi theo dòng họ vợ hoặc chồng. Sau này, khi
các nông trường quốc doanh, các xí nghiệp sản xuất được thành lập, lực lượng
người Kinh đến Nghĩa Lợi càng nhiều và phát triển càng nhanh. Hiện nay, xã
Nghĩa Lợi gồm 10 làng cơ bản như sau: Ngọc Lam, Tân Cay, Lung Hạ, Làng Thai,
Ngọc Hưng, Tân Sỏi,
Hưng Nghĩa,. Làng Mít, Lung Bình, Lung Thượng.
Trong những năm dưới
chế độ Xã hội chủ nghĩa, với những chính sách di dân hợp lý, Đảng và Nhà nước
ta đã tích cực thực hiện công tác di dân từ các huyện miền xuôi lên vùng núi,
trong đó có Nghĩa Lợi, làm cho cơ cấu dân cư và chất lượng dân số ở đây có
những thay đổi đáng kể ngày càng nâng cao và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu
về sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Và cũng từ đó đến nay, do biến
những động của quá trình phát triển dân cư phù hợp với tình hình kinh tế, chính
trị của đất nước Nghĩa Lợi đã có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu dân cư
cũng như chất lượng dân số theo hướng ngày càng phù hợp hơn.
Ngày nay, Nghĩa Lợi là vùng đất thuần nông với một số cộng
đồng cư dân gồm 28 dòng họ, có nguồn gốc từ nhiều địa phương quần tụ về đây
sinh sống. Tình hình cơ cấu dân cư đa dạng: 67% dân tộc thiểu số và phân bố
không đều; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn….Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đầy
đủ các yêu cầu phát triển kinh tế và hoạt động văn hóa - xã hội. Nhưng những
năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã nhà đã có những bước đi đúng đắn, thích
hợp, tạo ra nhiều thay đổi căn bản và đang từng bước vươn lên trong xu thế công
nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.