Trong không khí thắng lợi của chiến
dịch Biên giới Thu - Đông 1950, tháng 2/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của
Đảng được tiến hành ở Việt Bắc đã quyết định công khai hoạt động và lấy tên
Đảng Lao Động Việt Nam.
Với tinh thần đó, tháng 7/1951, đại
hội Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ V đã diễn ra trong ba ngày tại làng Đông,
xã Nghĩa Tiến. Đại hội nhấn mạnh công tác vận động quần chúng và chỉ đạo các xã
thực hiện nghiêm chỉnh chính sách thuế nông nghiệp và các loại thuế khác do
chính phủ ban hành, động viên thanh niên, nhân dân hăng hái đi bộ đội, dân công
phục vụ cuộc kháng chiến đang phát triển mạnh trong toàn quốc, nhất là cho
chiến trường Bình - Trị - Thiên và chiến trường chính Bắc Bộ.
Sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông
1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn phản công. Từ năm
1951 đến năm 1953 trên các chiến trường, quân và dân ta liên tiếp giành nhiều
thắng lợi lớn. Tiếp sau những thắng lợi đó, Trung ương Đảng và Chính phủ ta
quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954.
Để góp phần đưa cuộc kháng chiến
tiến lên giành thắng lợi, Trung ương đã giao cho hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa
mở đường chiến lược 15A nối liền mạch máu giao thông đường thủy, đường bộ giữa
Liên khu IV, Liên khu III, Liên khu V và biên giới Việt Lào, tạo điều kiện cho
vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh phát huy đến mức cao nhất nhiệm vụ cung ứng
nhân tài, vật lực cho tiền tuyến. Ngoài nhiệm vụ trên, Trung ương còn giao cho
Nghệ An đảm nhận công tác hậu cần cho những đơn vị chủ lực từ các chiến trường
Bình - Trị - Thiên và Lào về xây dựng, củng cố lực lượng, chuẩn bị tham gia
chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và cùng tỉnh Thanh Hóa phục vụ chiến dịch
Trung Lào.
Đến tháng
10/1953, xã Mai Thọ được chia tách thành 3 xã (Nghĩa Lợi,
Nghĩa Thọ và Nghĩa Lạc). Xã Nghĩa Lợi chính thức ra đời và phát triển đến ngày
nay.
Việc thành lập xã Nghĩa Lợi là một sự kiện
chính trị có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử phát
triển của xã nhà. Phát huy vai trò của bộ máy chính quyền mới, chi bộ Đảng đã
tích cực vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, tăng cường cung cấp lương
thực thực phẩm, thuốc men và quân số cho chiến trường. Trước tiên, xã tiến hành
hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế và cải tạo quan hệ sản xuất.
Sau khi xã Nghĩa Lợi ra đời, chi bộ
Mai Thọ cũng được tách ra thành các Đảng trực thuộc, Đảng bộ xã Nghĩa Lợi cũng
được thành lập, số lượng đảng viên gồm có 42 đồng chí. Ngay sau đó, Đại hội lần
thứ I, nhiệm kỳ (1953 - 1955) Đảng bộ xã Nghĩa Lợi cũng được tổ chức. Ban
thường vụ Đảng ủy gồm:
1. Đồng chí Hoàng Công Quynh - Bí thư
2. Đồng chí
Lê Xuân Năng - Chủ tịch UBKCHC(1)
3. Đồng chí
Lê Hữu Năng - Phó chủ tịch UBKCHC
Đại hội Đảng bộ lần đầu tiên ở Nghĩa Lợi đã
trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, một mốc son mới và trọng đại trong
công tác Đảng của Nghĩa Lợi. Đại hội đã bàn bạc chi tiết tình hình và nhiệm vụ
cụ thể giai đoạn 1954 - 1955, đây là giai đoạn mà cuộc kháng chống thực dân
Pháp đã bước sang giai đoạn quyết định: quân và dân ta thực hiện tổng phản công
chiến lược Đông - Xuân năm 1954.
Thực hiện phong trào “Mùa đông
binh sĩ”, nhân dân xã nhà tích cực tham gia hội, giúp những binh sĩ bị nạn.
Qua các đợt phát động “Đảm phụ quốc phòng” (năm 1949), “Ủng hộ bộ đội địa
phương”, “Lúa khao quân” (năm 1950), và “Công trái quốc gia” bằng thóc (năm
1951), hiến điền (năm 1952)…, tinh thần yêu nước của nhân dân Nghĩa Lợi ngày
được phát huy. Các chỉ tiêu trên giao Nghĩa Lợi đều hoàn thành vượt mức một lần
nữa nói lên tinh thần yêu nước của nhân dân Nghĩa Đàn nói chung và nhân dân
Nghĩa Lợi nói riêng trước yêu cầu của quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, trong những
năm 1952 - 1953, một số thương binh về làng được các mẹ trong Hội mẹ chiến sỹ
đón nhận, chăm sóc tận tình đã thắt chặt hơn tình quân - dân.
Với ý
chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu
làm nô lệ”, trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ và hy sinh, sau 56 ngày đêm “khoét
núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”,
ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ - nổ lực cuối cùng của thực dân Pháp và
can thiệp Mỹ ở Đông Dương hoàn toàn thất bại. Hiệp định Giơnevơ được ký kết,
chấm dứt gần 100 năm xâm lược và thống trị nước ta (1858 - 1954) của thực dân
Pháp. Ngày 7/5/1954 trở thành một mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự
nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thiên anh hùng
ca chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu. Đây là “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh
thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt
Nam…”
Cùng
với đồng bào cả nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xã Nghĩa Lợi tràn ngập
trong niềm vui chiến thắng. Mọi người đều tự hào vì trong thắng lợi chung ấy có
một phần công sức, mồ hôi, xương máu và cả nước mắt của mình. Tổng kết cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghĩa Lợi với vị trí, vai trò là hậu phương
của cuộc kháng chiến đã phát huy cao truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng
để xây dựng, bảo vệ vùng tự do và đóng góp sức người, sức của phục vụ cho tiền
tuyến. Trong thời gian xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã 10 lần ném bom vào
địa phận của xã, mở nhiều đợt càn quét làm 20 người chết, 15 người bị thương,
20 ngôi nhà bị cháy. Cùng tham gia chống Pháp, với đồng bào cả nước, Nghĩa Lợi
có 5 người con đã hy sinh, 100 bộ đội, 75 người tham gia thanh niên xung phong,
40 đi dân công hỏa tuyến và 85 người tham gia dân quân du kích. Xã đã đón nhận
25 thương binh tập kết ra Bắc, phát động hũ gạo nuôi quân được 30 tạ, phục vụ
cho kháng chiến 179 tạ thóc và 35 mẫu ruộng. Những thành tích ấy càng thôi thúc
cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Lợi quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử
thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong xây dựng và bảo vệ quê hương ở
những giai đoạn sau này. Âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ thúc dục mọi người,
mọi nhà phấn đấu hơn nữa để đưa xã nhà tiến nhanh, mạnh trên những chăng đường
tiếp theo.