image banner
Địa lý tự nhiên xã Nghĩa Lợi
Lượt xem: 18

Địa lý tự nhiên

          a. Vị trí, địa hình

     Vị trí: Nghĩa Lợi là xã vùng cao nằm về phía Đông - Bắc của huyện Nghĩa Đàn, cách trung tâm huyện 6 km đường bộ, cách thành phố Vinh 120 km. Xã có vị trí địa lý tiếp giáp với các xã khác như sau:

 Phía Bắc - Đông Bắc giáp với Thanh Tân (Như Thanh - Thanh Hóa)

 Phía Đông - Nam giáp với xã Nghĩa Phú, Nghĩa Thọ

 Phía Nam giáp với xã Nghĩa Hội

 Phía Tây - Nam giáp với xã Nghĩa Bình, phía Tây - Bắc giáp với xã Nghĩa

Lạc.

 Địa hình: Là một xã miền núi nên địa hình của Nghĩa Lợi khá phức tạp, vừa có núi, có sông suối, hồ đập, vừa có cả một số thung lũng là những đồng bằng nhỏ hẹp. Đồi núi ở đây không cao, khe suối không sâu, đồng ruộng chủ yếu là bậc thang….Một số thung lũng là những đồng bằng đất đỏ ba gian màu mỡ thích hợp với các loại cây hoa màu như ngô, lạc, mía; cây ăn quả như dưa hấu, cam, bầu bí; cây công nghiệp như: cao su, cà phê, trẩu..

Sự phức tạp của địa hình đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho bà con trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Nhưng theo thời gian, cùng với sự đấu tranh sinh tồn, nhân dân Nghĩa Lợi đã biết dựa vào tự nhiên, chịu khó khai khẩn đất hoang, xây dựng kênh mương, tạo nên những cánh đồng khá bằng phẳng, quanh năm xanh tốt lúa, khoai. Quá trình sắp đặt của tự nhiên và cải tạo của con người đã góp phần tạo nên sự hài hòa kỳ diệu cho cảnh quan nơi đây.

b. Khí  hậu, thời tiết

          Cũng như các xã khác trong khu vực tỉnh Nghệ An, Nghĩa Lợi chịu ảnh hưởng của khí hậu Bắc Trung Bộ nóng ẩm và được chia làm hai mùa:

          Mùa nóng: Thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Đây là mùa có nhiệt độ cao, thường từ 29 - 320 C và cao nhất có ngày lên đến 400 C. Mùa này có gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh thành từng đợt, nhiều ngày đất đai bị hạn hán nặng, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống con người. Đây cũng là mùa mưa bão, trung bình hàng năm Nghĩa Lợi cũng như các vùng khác trong tỉnh phải chịu từ 2 - 3 cơn bão mạnh. Bão kèm theo mưa to, gây lụt lớn trên diện rộng, làm mất mùa, gây đói kém cho nhân dân. Gần đây, do nạn chặt phá rừng bừa bãi, nhiều vùng núi phải chịu thêm những cơn lũ quét với sức tàn phá khủng khiếp, mùa hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao gây nên hiện tượng cháy rừng. Tuy nhiên, mùa này thường có gió mùa Đông Nam (gió nồm) từ biển thổi vào mang theo nhiều hơi nước, làm mát cho nhiều vùng trong tỉnh.

          Mùa lạnh: Thường bắt đầu vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mùa này có gió Đông Bắc và Tây Bắc mang theo nhiều hơi nón và mưa phùn. Nhiệt độ trung bình từ 10 - 150 C. Nhiệt độ thấp nhất có khi xuống dưới 80C, gây hiện tượng sương mù và giá rét, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu toàn cầu nên thường xuyên xuất hiện sương mù dày đặc và rét đậm, rét hại kéo dài. Điều này đã làm cản trở không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của địa phương.

Tài nguyên

a. Đất đai

Nghĩa Lợi vốn là một xã thuần nông, lấy nông nghiệp làm nghề sản xuất chính nên đất đai là nguồn tư liệu sản xuất quan trọng của người dân nơi đây. Tính đến năm 2010, diện tích đất tự nhiên của Nghĩa Lợi là 2.488,14 ha, trong đó đất dành cho sản xuất nông nghiệp là 1.201,32 ha, đất lâm nghiệp 1095,1 ha, đất khe suối là 25,74 ha, đất núi đá vôi 69,05 ha, đất chuyên dùng 96,93 ha. Đất đai của Nghĩa Lợi gắn liền với sự phân bố tự nhiên của địa hình đồi núi, khe suối, hình thành nên các loại thổ nhưỡng khác nhau. Theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng Nghệ An kết hợp với việc khảo sát thực tế cho thấy, Nghĩa Lợi có các loại thổ nhưỡng chủ yếu như sau: Đất xen đồi núi, kém màu mỡ là 202 ha, đất phù sa không được bồi đắp là 538 ha, đất vùng sâu trũng dễ bị ngập úng là 104 ha, đất đồi núi bị rửa trôi khoảng 535 ha. Trong quá trình lao động sản xuất, bà con đã biết tận dụng nguồn tài nguyên đa dạng vào các mục đích khác nhau, như sản xuất cây lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào giếng, làm gạch, làm nhà....Sự tận dụng nguồn tài nguyên này bước đầu đã tạo ra cơ sở vật chất, ổn định đời sống cho nhân dân. Sự phân bố không đều của các loại đất cùng với địa hình khá phức tạp đã khiến cho cuộc sống sinh hoạt, canh tác của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Nhưng với đức tính cần cù chịu khó và sáng tạo, nhân dân đã phát huy thuận lợi và khắc phục khó khăn để cải tạo thiên nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng nhiều giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Trải qua nhiều lần cải tạo và quy hoạch, một số loại đất có chất lượng kém dần dần được chuyển đổi mục đích sử dụng, diện tích đất có chất lượng tốt ngày càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của xã ngày một phát triển.

b. Nguồn nước: Do đặc điểm về địa lý, địa hình nên nguồn nước ở Nghĩa Lợi khá phong phú. Theo số liệu mới nhất vào năm 2010, diện tích mặt nước của Nghĩa Lợi toàn bộ có 39,51 ha, trong đó : hồ đập do UBND xã quản lý là 33.70 ha, ao của các hộ nông dân là 5,81 ha. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng. Với sự nổ lực của toàn dân và sự giúp đỡ của cấp trên, Nghĩa Lợi đã xây dựng được hệ thống kênh mương, các trạm bơm, giếng khoan… khá hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt cho nhân dân. Năm 2010, trên cơ sở huy động nguồn vốn đóng góp trong nhân dân và sự hỗ trợ của cấp trên, Nghĩa Lợi đã xây dựng một hệ thống nguồn nước sạch tự chảy, đảm bảo các hộ dân trong xã được sử dụng nước sạch.

c. Hệ thống thủy lợi: xã Nghĩa Lợi có kênh mương của hệ thống thủy lợi sông Sào chạy qua, là cơ sở để lấy nước tưới tiêu chủ yếu cho sản xuất của bà con nơi đây. Dựa vào kênh sông Sào, UBND xã Nghĩa Lợi đã quy hoạch và xây dựng được 6 hồ đập vừa và nhỏ có dung tích trên 1,5 triệu m3 nước và một hệ thống 3 km mương tưới cấp 3 đã được bê tông hóa, đảm bảo cơ bản việc cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích gieo trồng của cả xã.

d. Rừng

            Nghĩa Lợi xưa kia là rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như lát, gụ, lim, sến, kiền kiền…, một phần là nơi phát triển của tre, nứa, mét, giang, mây. Nhiều vùng có sa nhân, mộc nhĩ và các loại thuốc quý. Rừng ở Nghĩa Lợi cũng là nơi cư trú, sinh trưởng của rất nhiều loại chim muông như cò, vạc, trăn hoa, rắn hổ mang….Nhưng sau đó, cùng với quá trình định cư, chinh phục và khai thác tự nhiên của nhân dân nhiều loại thực vật và động vật quý hiếm dần dần biến mất. Sự khai thác tự do, vô ý thức của con người, những tranh chấp về nguồn tài nguyên gỗ, động vật của cư dân nhiều địa phương khác đã làm cho tài nguyên rừng ở Nghĩa Lợi cũng như nhiều nơi dần dần cạn kiệt. Quá trình đó đã dẫn đến kết quả khó lường: nạn hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra, đe dọa đời sống, sản xuất của con người. Hiện tại, cũng như nhiều địa phương, với dự án phối hợp giữa trồng, khoanh nuôi và bảo vệ để tiến tới xóa đói, giảm nghèo, với vốn đất đồi rừng sẵn có, người dân Nghĩa Lợi đang tận dụng tối đa việc khoanh nuôi, trồng và tái tạo lại vốn rừng. Đây là việc làm trước mắt cũng như lâu dài, đang được Đảng bộ xã và nhân dân thực hiện tốt.Theo số liệu thống kê năm 2010, diện tích rừng ở Nghĩa Lợi có 1.095,1 ha, độ che phủ rừng đạt 55,5%.

          Nhìn chung, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Nghĩa Lợi đã tạo thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thuận lợi là cơ bản. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Lợi đang tranh thủ mọi nguồn lực để khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả của no, nhằm mang lại lợi ích trước mắt là phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư ở đây về lâu dài, thúc đẩy phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Lợi (1953-2010), in và nộp lưu chuyển tháng 01/2013
BẢN ĐỒ XÃ NGHĨA PHÚC - HUYỆN TÂN KỲ
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGHĨALỢI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Hữu Thanh - Chủ tịch xã

Trụ sở: Xã Nghĩa Lợi - Huyện Nghĩa Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0986738001 - Email: thanhchauanh@gmail.com